Thành phần tác giả và nội dung Tri_tân_(tạp_chí)

Tri Tân quy tụ được nhiều tác giả đương thời đóng góp bài vở, thuộc các lĩnh vực sử học, dân tộc học, triết học, ngôn ngữ học, nghiên cứu và phê bình văn học, v.v... Bên cạnh các nội dung thuộc các đề tài khoa học xã hội và nhân văn nói trên, tạp chí cũng đăng một số bài về khoa học tự nhiên, công nghệ...

Về khảo cứu văn hoá, đáng kể nhất phải kể đến Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố. Ông góp mặt thường xuyên trên hầu hết các số của Tri tân với rất nhiều thể loại bài viết, nghiên cứu về lịch sử trung đại Việt Nam (mà tiêu biểu là những chuyên khảo "Đại Nam dật sử", "Sử ta so với sử Tàu", "Những ông nghè triều Lê", được Tri tân đăng dài kỳ, cùng nhiều bài khảo cứu khác), về văn học trung đại Việt Nam (đặc biệt là chuyên khảo "Tài liệu để đính chính những bài văn cổ"), và về nhiều vấn đề văn hoá khác.

Tri tân cũng có một số trang đáng kể dành cho phê bình văn học. Về thể loại này, Tri tân đã là nơi trưởng thành của một số tác gia phê bình như Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, đồng thời là nơi xuất hiện những bài viết sớm của những tên tuổi mà sau này trở nên nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, v.v...

Ngoài ra còn có các học giả Dương Quảng Hàm, Lê Văn Hòe, Nguyễn Đổng Chi, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Nguyễn Tường Phượng, Chu Thiên Hoàng Minh Giám, Bảo Vân Bùi Văn Bảo, Ngô Văn Triện, Đào Duy Anh, Đào Trọng Đủ, Ngô Tất Tố... Đề tài lịch sử không dừng ở những bài biên khảo, ký sự như "Bia Văn Miếu" và "Indrapura-Đồng Dương" mà cả những phóng tác như kịch thơ, tiểu thuyết, đặc biệt thơ trường thiên đề tài lịch sử và thơ triết học của "thi chủ" Minh Tuyền Hoàng Chí Trị.[5] Đáng ghi nhận là một số tiểu thuyết như "Thoát cung vua Mạc" của Chu Thiên và "Đêm hội Long Trì" của Nguyễn Huy Tưởng được đăng thành nhiều kỳ trên tạp chí.[6]

Liên quan